7 Bước Để Loại Bỏ Sự Trì Hoãn

Đầu tiên, hãy thú nhận một chút! Có những điều đáng nhẽ ra bạn đang phải làm ngay lúc này thay vì ngồi đây và đọc bài viết này. Bạn đang còn bài tập đang làm dở dang? Căn phòng mới dọn được một nửa hay đã đến giờ tập thể dục của bạn? Tiếp đến, đã bao nhiêu lần bạn dời các nhiệm vụ, bài tập sang ngày mai, ngày kia và ngày thứ “n” ? Nếu bạn đang có những dấu hiệu mà chúng tôi vừa nêu trên, xin chia buồn cùng bạn, vì bạn đã bị nhiễm một loại vi rút có tính lây lan toàn cầu, mang tên “ Quái vật trì hoãn”.

Tuy nhiên, bạn không cần phải lo lắng vì chúng tôi sẽ giúp bạn đánh bay con quái vật trì hoãn nhờ vào 7 “vắc xin” thần kì sau nhé.   

1. Xác định được những nhân tố chính khiến bạn trì hoãn

Tác nhân chính khiến bạn không thể bắt tay vào công việc, dời nó sang một ngày khác hay quên bẫng nó đi là gì? Có phải là những bộ phim ngôn tình lãng mạn, những trận game dài,  mạng xã hội và dàn người yêu hay nỗi sợ khi phải bắt tay làm một điều gì đó? Trước khi bạn trì hoãn một công việc nào đó, hãy đặt cho mình câu hỏi “ Tại sao” – Tại sao tôi lại trì hoãn điều này? Và ghi lại trên mẫu giấy, notebook, điện thoại..v..v Vài lần sau, tổng hợp lại và xem nguyên nhân chính khiến bạn dừng lại là gì. Sau đó, tìm mọi cách để hạn chế tác nhân đó ảnh hưởng đến công việc của bạn. Muốn trị bệnh phải chuẩn đúng nguyên nhân mới có thể bốc thuốc, đúng không nào?  

Ví dụ: Nếu mạng xã hội là tác nhân chính khiến bạn gây xao nhãng, hãy đảm bảo rằng chúng sẽ không xuất hiện trong thời gian học tập và làm việc của bạn. Hãy đăng xuất facebook, bỏ điện thoại ở nơi cách xa bạn và đảm bảo không mở thêm bất cứ một tab nào có liên quan đến mạng xã hội trên cửa sổ máy tính nhé     

2. Chia nhỏ các nhiệm vụ

Bạn cảm thấy hoảng sợ khi nhìn vào đống tài liệu, bài tập mình phải nghiền ngẫm cho bài kiểm tra, dự án hay tiểu luận sắp tới? Điều này khiến bạn cảm thấy mất động lực và khó bắt tay vào công việc? Nếu thế, hãy chia nhỏ nhiệm vụ lớn thành các nhiệm vụ nhỏ dễ thực hiện hơn.

Ví dụ: Bạn có một bài kiểm tra cho tuần tới. Bạn phải đối đầu với hàng tá bài tập và tài liệu phải giải quyết. Hãy dành 5 phút để lập ra một kế hoạch cho loại bài tập, chương ôn tập hay tài liệu nào bạn phải hoàn thành mỗi ngày.

3. Tạo những phiên học tập ngắn

Nếu được biết chỉ cần học tập trong vòng 25 phút, bạn cảm thấy như thế nào? Quá dễ dàng cho bạn để bắt tay vào làm việc hơn đúng không nào! Việc chia nhỏ thời gian học tập trong ngày của bạn thành những phiên ngắn được dựa trên kỹ thuật “Pomodoro”. Phương pháp này giúp bạn có nhiều động lực hơn để hoàn thành các công việc hiện tại. Hãy tham khảo hình dưới đây để xem kỹ thuật Pomodoro hoạt động như thế nào nhé!

4. Thiết lập các mục tiêu nhỏ

Việc tạo lập các mục tiêu nhỏ khiến bạn không cảm thấy quá áp lực khi thực hiện một công việc nào đó. Đồng thời, khiến bạn cảm thấy dễ dàng bắt tay vào thực hiện những nhiệm vụ hơn. Chúng ta có thể áp dụng điều này cho việc tập luyện thể thao. Với mục tiêu tập thể dục 3 buổi 1 tuần, mỗi lần tập 1 tiếng, điều này khá khó khăn để thực hiện trong những tuần đầu. Vì thế, chúng ta cần tách nhỏ mục tiêu của mình ra đó là chỉ cần luyện tập 15 – 20p mỗi ngày. Dễ dàng hơn để bắt tay đương đầu với nhiệm vụ hơn rồi, đúng không nào!

5. Chọn một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của mình

Phải làm sao khi những công việc, nhiệm vụ mà bạn bắt buộc phải làm lại có phần nhàm chán?  Bạn phát ngán khi phải đụng đến chúng? Nếu điều đó xảy ra, hãy gia tăng giá trị của chúng bằng cách tự thưởng cho bản thân điều gì đó sau khi hoàn thành mỗi công việc, nhiệm vụ. Hãy nghĩ đến phần thưởng bạn sẽ nhận được khi hoàn thành xong công việc, nó sẽ thúc đẩy bạn tập trung nhanh chóng hoàn thành công việc của mình đấy!

6. Cẩn thận với môi trường học tập của mình

Môi trường chứa những tác nhân gây ra sự xao nhãng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất làm việc làm việc của bạn đấy. Vì vậy hãy đảm bảo nơi học tập và làm việc của mình giúp bạn có thể tập trung cao độ để hoàn thành các nhiệm vụ nhé. Hãy giảm thiểu tối đa những vật gây ra sự xao nhãng hiện hữu trong môi trường học tập và làm việc của bạn. Bạn hay xao nhãng vì điều gì? Mạng xã hội , thú cưng , youtube hay tiếng ồn?

7. Dừng việc thực hiện nhiều việc cùng một lúc

Trên thực tế, não bộ không thể nào làm nhiều thứ tại cùng một thời điểm. Việc bạn làm nhiều nhiệm vụ một lúc hay thường gọi “ Multitasking” đơn giản là sự chuyển đổi khi làm một việc này sang việc khác. Một nghiên cứu tại đại học Vanderbilt tiết lộ rằng não bộ không thể hoạt động hiệu quả khi con người cố gắng thực hiện hai nhiệm vụ cùng một lúc. Multitasking chỉ thực sự xảy ra với các nhiệm vụ mang tính phản xạ như vừa đi vừa nói chuyện. Vì thế hãy dừng ngay việc cố gắng làm mọi thứ cùng một lúc đi nhé. Bạn sẽ tự gây ra stress cho bản thân, công việc được giải quyết một cách kém chất lượng. Thay vào đó, bạn nên đặt các mục tiêu về thời gian cho từng nhiệm vụ và tập trung làm một thứ vào một thời điểm mà thôi. Nhớ đảm bảo rằng khoảng thời gian đó vừa đủ để làm nó có kết quả tốt nhất nhé.

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: Cổng thông tin Thực tập Internship.edu.vn

Leave a Comment