Chúng ta ai cũng biết rằng phải học tập chăm chỉ hay phải chủ động ôn tập trước hàng tuần, hàng tháng cũng như giữ gìn sức khỏe thật tốt thì mới đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Thế nhưng mọi thứ luôn bị kiểm soát bởi những thứ như “mạng xã hội”, “lười”, “hội chứng thiên tài – học một đêm là xong”,… Vậy làm sao có thể khắc phục những suy nghĩ trên và xây dựng cho mình một kế hoạch ôn thi hiệu quả? Hãy cùng chúng tôi khám phá ngay những điều cần chuẩn bị dưới đây để đạt kết quả thi thật tốt nhé!
1. Bật “Chú Ý Nâng Cao” – Tắt “Sao Nhãng Vì Lười”
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống sau đây chưa? Trước mỗi kỳ thi, bạn rất quyết tâm trong việc đặt mục tiêu, quyết tâm lấy những con 9, con 10. Bạn hăng hái vẽ ra một kế hoạch rất “hoành tráng” và “chi tiết” đến mức sẽ phải học gì, ôn gì vào ngày nào, giờ nào. Thế nhưng, thực tế thì khi bắt đầu thực hiện kế hoạch, những cơn buồn ngủ hay cái cảm giác chán chường lại ập đến xua tan đi mọi động lực, quyết tâm trước đó. Một cảm giác thật quen thuộc đúng không nào?
Vậy làm thế nào để ngăn ngừa những điều trên?
- Sử dụng bút dạ quang và viết ghi chú dưới dạng hình vẽ cũng như biểu đồ. Bạn càng biến thông tin trở nên hài hước bao nhiêu thì bạn sẽ càng thích thú hơn bấy nhiêu. Và một khi bạn bắt đầu thích nó, bạn sẽ dễ dàng ghi nhớ nó hơn!
- Hãy mạnh dạn phát biểu. Khi nghe giảng xong, nếu bạn vẫn còn thắc mắc, bạn có thể đưa ra câu hỏi cho thầy cô ngay lập tức thay vì chờ đợi cho đến buổi học sau hoặc là hoàn toàn bỏ qua chúng! Hơn thế, việc phát biểu cũng chính là cơ hội để bạn ghi nhớ lâu hơn và rèn luyện tư duy phản biện của chính bản thân.
- Thông tin được nhắc lại nhiều lần là gợi ý cực kỳ quan trọng. Trong quá trình giảng, thầy cô thường sẽ nhấn mạnh một số thông tin nào đó và có thể chúng sẽ có mặt trong bài thi hoặc câu trả lời để lấy điểm cộng đấy. Vì thế, bạn hãy cố gắng ghi chép cẩn thận nhé.
- Để loại bỏ cơn buồn ngủ bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau đây:
- Luyện tập thể dục mỗi ngày. Hoạt động thể chất làm tăng lưu lượng máu đến các bộ phận cơ thể, làm bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn. Nghiên cứu cho thấy người ta sẽ làm việc hiệu quả hơn sau khi tập thể dục
- Phân bổ thời gian hợp lý, ngủ đủ giấc. Nếu thức dậy chỉ sau một giấc ngủ ngắn, rất có thể bạn dễ dàng bị cám dỗ bởi nút nhấn báo lại của đồng hồ báo thức và tận hưởng thêm bảy hoặc chín phút ngủ nữa. Tuy nhiên, điều này sẽ thực sự khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn vào buổi sáng.
- Ăn sáng đầy đủ. Ăn sáng trong vòng 30 phút sau khi thức dậy sẽ nâng cao khả năng nhận thức và tràn đầy năng lượng cả ngày.
- Thử uống caffeine. Một cốc cà phê vào buổi sáng hoặc giữa chiều là một lựa chọn không tồi khi cơn buồn ngủ đã kiểm soát hầu hết mọi hoạt động của bạn. Theo một nghiên cứu của Đại học John Hopkins tiến hành, đã phát hiện chất caffeine trong cà phê có thể tăng cường trí nhớ và giúp giữ tỉnh táo trong ít nhất 24 giờ sau khi con người uống cà phê. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả cũng như ngăn ngừa những tác dụng phụ mà caffeine mang lại, bạn nên tìm hiểu kỹ cách thức sử dụng, liều lượng, khi nào thật sự cần thiết,… để đạt được hiệu quả tỉnh táo tốt nhất.
2. Bật “Đồng Hành Học Tốt” – Tắt “Độc Thân Học Tập”
- Bạn có thể nhờ bạn bè, người thân, đồng nghiệp, người yêu giúp bạn kiểm tra kiến thức – hoặc ít ra là lắng nghe bạn huyên thuyên về chúng. Trò chuyện và trao đổi thông tin với người khác sẽ khiến chúng trở nên dễ nhớ hơn.
- Bạn nên học cùng hai hoặc ba người bạn cũng phải trải qua kỳ thi tương tự như bạn! Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nhóm từ ba đến bốn người có người chỉ đạo giúp họ đi đúng hướng và ôn tập toàn bộ kiến thức cơ bản cần thiết sẽ làm bài thi tốt hơn là người tự học một mình. Và bạn nên nhớ mang theo một chút đồ ăn nhẹ!
Bạn sợ học nhóm thì ít mà chơi thì nhiều? Để hạn chế tình trạng này, bạn có thể lập quy tắc cho nhóm ngay từ đầu và phân bổ thời gian giữa tự nghiên cứu và thảo luận hợp lý để trách tình trạng cuộc thảo luận kéo dài nhưng không đạt hiệu quả cao.
Hai trong những phương pháp khá hiệu quả cho quá trình học nhóm mà bạn có thể áp dụng đó là Phương pháp Feynman và Sơ đồ tư duy cho quá trình động não nhóm
3. Bật “Làm Bài Nghiêm Túc” – Tắt “Học Cho Vui”
Làm bài tập chính là cách giúp bạn rèn luyện sự tập trung và tìm hiểu sâu một vấn đề nào đó, để làm được điều này, bạn cần phải ghi nhớ những điều sau đây.
- Bài tập chính là công cụ gián tiếp mà thầy cô gửi đến bạn. Sẽ chẳng bao giờ thầy cô dành thời gian giao bài tập cho bạn chỉ cho “vui” hay “hành hạ tình thần sinh viên” theo cách mà chúng ta thường nghĩ, mà bài tập chính là phần quan trọng bổ sung cần thiết của việc học tại lớp. Nó giúp củng cố những kiến thức chúng ta đã học ở trường (hoặc cần được học), giúp các kiến thức đó được hiểu sâu sắc hơn và mở rộng kiến thức.
- Bạn nên làm bài kiểm tra thử nếu có thể. Ngoài việc giúp bạn trở nên quen thuộc hơn với nội dung và cấu trúc của bài thi thật sự, chúng đồng thời cũng sẽ khiến bạn cảm thấy sẵn sàng hơn.
- Không nên lãng phí thời gian cho một vấn đề nào đó nếu bạn không chắc chắn về câu trả lời. Hãy tiến hành giải quyết câu hỏi dễ trước và xử lý câu hỏi khó sau. Cũng như bạn có thể sử dụng các quyền trợ giúp như bạn bè, thầy cố, internet,… để tiết kiệm quỹ thời gian hạn hẹp của chính mình.
4. Bật “Quyết Tâm” – Tắt “Trì Hoãn”
- Có bao giờ bạn thử trò chuyện với thầy cô, anh chị hay người đã học trước? Đây chính là cách giúp bạn tìm hiểu trước những thông tin cần thiết để có thể chuẩn bị cho một kế hoạch học tập và ôn thi hiệu quả hơn. Ví dụ như, trước khi bắt đầu một môn học bạn hãy tìm cách hỏi những người đi trước hình thức thi môn này như thế nào? Học môn này sao cho hiệu quả? Tiếp đến, trong môn học bạn hãy chủ động hỏi lại thầy cô một lần nữa. Điều này sẽ giúp bạn biết nên tập trung vào nội dung gì và rèn luyện những kỹ thuật gì để đạt kết quả tốt trong kỳ thi thay vì cứ học lan man tới đâu hay đến đó.
- Không nên trì hoãn việc học cho đến giây phút cuối cùng. Nếu bạn chờ cho đến đêm cuối cùng, hoặc tệ hơn là buổi sáng ngày thi rồi mới ôn tập, bạn sẽ khó có thể ghi nhớ kiến thức do căng thẳng. Bạn nên bắt đầu lập kế hoạch và tiến hành ôn bài khi bạn nhận được thông báo lịch thi. Đừng để đến sát ngày thi mới bắt đầu tìm hiểu về các kiến thức mà bạn phải học.
- Thiết lập lịch học tập và quyết tâm bám sát mục tiêu đề ra. Khi bạn dành thời gian để xem lại kiến thức, thời gian sẽ không trôi đi một cách vô ích. Bạn có thể thiết lập thời gian biểu khác nhau để học những phần kiến thức khác nhau. Ví dụ như 15 trang mỗi ngày hay mỗi chương một ngày. Điều quan trọng ở đây là bạn cần phải phân chia thời gian hợp lý để tránh tình trạng dồn ép bản thân học liên tục vào những ngày gần thi.
Những điều được đề cập bên trên, có thể bạn đã biết hoặc thậm chí bạn chưa bao giờ quên nhưng điều quan trọng ở đây chính là cách mà chúng ta thực hiện chúng thật tốt. Chúng tôi đã gửi đến bạn những công cụ cần thiết, còn bây giờ đã đến lúc bạn cần phải bức phá và tăng tốc cho những kỳ thi sắp đến rồi đấy.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin Thực tập Internship.edu.vn