Giới Thiệu Ngành Nghề – Ngành Báo Chí

Mô tả ngành nghề

Nhà báo là người truyển tải thông tin đến với công chúng một cách chuyên nghiệp. Nhà báo có nhiệm vụ tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin về tất cả những sự kiện cần được đưa đến với công chúng mỗi ngày, mỗi giờ hay thậm chí là mỗi phút, mỗi giây. Các loại hình báo chí như báo, tạp chí, truyền hình, phát thanh, báo ảnh, báo điện tử, hãng thông tấn được xem là các lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng.

Công việc cụ thể

Nhà báo có thể làm việc tại các cơ quan báo chí như thông tấn xã, các toà soạn báo in hay các đài phát thanh, truyền hình tại Trung ương và địa phương. Ngoài ra, họ cũng công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí như: Vụ Báo chí các ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ, quận uỷ, huyện uỷ Cục Báo chí các Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh, thành phố các phòng Văn hoá Thông tin quận, huyện. Với chuyên môn báo chí, bạn còn có thể làm việc tại các phòng Thông tin – Báo chí của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức chính trị – xã hội, các công ty truyền thông hay các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tuỳ viên báo chí ở các Đại sứ quán trong và ngoài nước v.v… Bạn cũng có thể trở thành nhà báo tự do (tức là không phụ thuộc vào bất kì một cơ quan tổ chức nào ngoài chính bản thân bạn). 

Nghề báo luôn là một nghề có tiếng nói và đóng vai trò quan trọng trong xã hội

Yêu cầu

Để học và làm việc trong ngành báo, bạn cần: nhanh nhạy và tháo vát trong tiếp nhận và xử lý thông tin; biết cách chọn lọc thông tin và khiến nó trở sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và cần thiết với công chúng; đam mê với nghề thông tin; có sức khoẻ tốt, ưa vận động, nhanh nhẹ, tháo vát; có lập trường tư tưởng vững vàng, biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng cho mình một vốn văn hoá, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng. Riêng với truyền hình hay phát thanh, có một số yêu cầu đặc thù của nghề về chất giọng, ngoại hình cao hơn các loại hình báo chí khác.

Nếu bạn có khả năng viết lách tốt thì đó là một lợi thế khi theo đuổi nghề báo

Quyền lợi

Bạn sẽ được hưởng lương, được hưởng các chế độ BHYT, BHXH, BHTN; được nghỉ lễ, Tết theo quy định của pháp luật; bạn có thể sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và năng động; bạn cũng có thể được hưởng một số đãi ngộ khác như du lịch…

Điểm thú vị

Bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều mặt của cuộc sống, bạn sẽ là người viết nên những câu chuyện của đời sống trong mỗi ngày, mỗi giờ cho người khác.

Khó khăn

Nghề báo trong một số trường hợp là một nghề khá nguy hiểm, đặc biệt với những phóng viên thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, phóng viên chiến trường v.v…  vì sự chi phối ảnh hưởng từ các đối tượng không muốn sự thật được phơi bày trước công chúng, vì vậy người làm báo cần có lòng dũng cảm, dám tìm tòi và đưa sự thật đến với người dân.

Trường đào tạo

Ngành báo chí hiện đang được đào tạo tại các trường như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG HN, Học viện Báo chí Tuyên truyền, CĐ Phát thanh Truyền hình, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng. Ngoài ra, bạn cũng có thể học những ngành khác gần gũi với báo chí để làm việc trong ngành báo như: Văn học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Luật, Lịch sử….

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM

Một số doanh nghiệp tiêu biểu

Báo Tuổi trẻ, báo Sài Gòn giải phóng, báo điện tử VNEXPRESS, báo điện tử Dân Trí, đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh truyền hình TP.HCM….

Biên soạn bởi đội ngũ chuyên viên của Ztest.

Leave a Comment