Mô tả ngành nghề
Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại toà án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Công việc cụ thể
Bạn có thể làm luật sư, đây là những người hành nghề trong Văn phòng hoặc Công ty luật (không trong biên chế của cơ quan nhà nước). Ngoài ra, bạn còn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau như: chấp hành viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật… trong các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu…
Yêu cầu
Để có thể học và làm việc trong ngành luật, bạn cần: có khả năng phân tích tổng hợp tốt, là người công bằng, khách quan và trung thực; có bản lĩnh vững vàng, có lòng dũng cảm để đối mặt với các mặt trái của xã hội; có khả năng diễn đạt tốt. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có lòng trắc ẩn để mong muốn giúp đỡ người khác. Để hành nghề luật, sau khi tốt nghiệp, bạn cần tham gia một lớp đào tào Nghề luật sư của Bộ tư pháp trong khoảng sáu tháng. Sau khi học xong, bạn cần đi tập sự tại các văn phòng luật sư có đăng kí hợp pháp từ 1,5 đến 2 năm, sau đó thi đạt đầu ra để có chứng chỉ hành nghề luật sư. Lúc đó bạn có thể xin gia nhập vào Đoàn luật sư.
Quyền lợi
Khi làm việc, bạn sẽ được hưởng lương, được hưởng các chế độ BHYT, BHXH, BHTN; được nghỉ lễ, Tết theo quy định của pháp luật; được hưởng các chế độ đãi ngộ khác như du lịch, tham quan, sinh nhật. Ngoài ra, theo đuổi nghề luật sư, thu nhập của bạn không chỉ dựa trên lương hàng tháng mà còn có nhiều nguồn thu nhập khác đến từ việc tư vấn pháp lý cho các công ty – tập đoàn, tham gia làm luật sư bảo vệ thân chủ trong các vụ án,…
Điểm thú vị và khó khăn
Theo đuổi nghề luật tức là bạn đang dấn thân trên con đường đấu tranh cho lẽ phải và chính nghĩa. Và con đường đó chắc chắn sẽ có không ít những nỗi khổ, thiệt thòi đang chờ đợi bạn. Ngoài ra, nghề luật cũng có thể phải chịu những phiền toái phức tạp từ những đối tượng liên quan gây sức ép để bắt ép bạn đi theo hướng mà họ mong muốn.
Trường đào tạo
Một số trường có đào tạo ngành luật như: Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Vinh, ĐH Kinh tế – Luật – ĐHQG TP.HCM, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sài gòn, ĐH Đà Lạt, ĐH Cần Thơ…..
Một số doanh nghiệp tiêu biểu
Công ty luật A&S Law, Công ty luật Dragon, Hãng luật PLF, Công ty luật Đại Việt, Công ty luật YKVN, Công ty luật Hồng Đức….
Biên soạn bởi đội ngũ chuyên viên của Ztest.