Giới Thiệu Ngành Nghề – Ngành Công Nghệ Sinh Học

Mô tả ngành nghề

Công nghệ sinh học bao trùm nhiều quy trình trong việc làm thay đổi các sinh vật sống theo các mục đích của con người, trở về với sự thuần hóa động vật, trồng trọt, và cải tạo những sinh vật này thông qua các hoạt động sinh sản như chọn lọc có điều kiện và lai ghép. Công nghệ sinh học hiện đại bao gồm kỹ thuật gen cũng như các công nghệ nuôi cấy mô và tế bào.
Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ định nghĩa công nghệ sinh học là việc ứng dụng khía cạnh sinh học của sinh vật, hệ thống hoặc các quá trình vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau để hiểu biết về khoa học sự sống và cải tiến giá trị của vật liệu và sinh vật như dược, cây trồng và chăn nuôi. Lĩnh vực công nghệ sinh học rất rộng lớn, vì vậy, người làm trong ngành này có thể hướng chuyên về di truyền học, y học, thực vật học, nông nghiệp, và các khoa học khác liên quan đến CNSH v.v…

Công việc cụ thể

Tốt nghiệp ngành này, bạn có thể làm những công việc bao gồm: Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm tại các nhà máy sản xuất thực phẩm, dược phẩm; chuyên viên công nghệ sinh học tại các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản; các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật; chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; cán bộ xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa…

Ngành công nghệ sinh học thường phải làm trong phòng thí nghiệm hàng giờ liền

Yêu cầu

Để làm việc trong ngành công nghệ sinh học, bạn cần: Có thiên hướng về sinh học, hóa học, vật lý và khá về toán; Đức tính tỉ mỉ, chính xác và cẩn thận; Có khả năng làm việc độc lập và kỹ năng làm việc theo nhóm tốt; Ham thích công việc tìm tòi, nghiên cứu, khả năng phán đoán tốt; Khả năng ngoại ngữ tốt để cập nhận kiến thức.

Quyền lợi

Hiện nay, ngành Công nghệ sinh học cũng là một ngành thời thượng, có nhiều cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Ngoài những quyền lợi cơ bản như lương, thưởng, các chế độ BHYT, BHXH, BHTN, chính sách hỗ trợ về chi phí ăn, ở,…thì bạn còn có nhiều cơ hội được đi công tác, làm việc hoặc học tập tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn nếu như đáp ứng được chuyên môn.

Ngành công nghệ sinh học có nhiều cơ hội học tập, làm việc tại các quốc gia phát triển

Điểm thú vị

Người làm công nghệ sinh học được ví như thầy phù thủy của khoa học hiện đại, làm ra được những sản phẩm đặc biệt và khác lạ nhờ áp dụng khoa học vào các vật chất sống như gen và vật chất di truyền.

Khó khăn

Chuyên ngành có tính ứng dụng rộng, nên khó chuyên sâu nếu bạn không xác định được mục tiêu và tìm hiểu cụ thể ngay từ đầu. Ngoài ra, đây là một ngành nghề đòi hỏi tính kiên nhẫn, tập trung cực kỳ cao và có thể thường xuyên ngồi trong phòng thí nghiệm nhiều giờ hay thậm chí nhiều ngày liền. Vì vậy, nếu bạn thuộc nhóm người thích “bay nhảy” thì đây không phải là ngành nghề phù hợp với bạn.

Trường đào tạo

Công nghệ sinh học được đào tạo tại một số trường như: ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TPH.CM, ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG HN, ĐH Bách khoa HN, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH khoa học – ĐH Huế, ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng….

Đại học Quốc tế TP.HCM

Một số doanh nghiệp tiêu biểu

Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, Công ty bia San Miguel, Công ty Dutch Lady Việt Nam….

Biên soạn bởi đội ngũ chuyên viên của Ztest.

Leave a Comment