Mô tả ngành nghề
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính (bao gồm phần cứng, phần mềm) để cung cấp một giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Các giải pháp CNTT rất đa dạng: phần mềm quản lý nhân viên trong cơ quan, tổ chức, website dạy học qua mạng, hệ thống máy tính phục vụ cho nhu cầu tính cước, phần mềm trên các thiết bị di động hoặc những chương trình giải trí trên Internet v.v…
Công việc cụ thể
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm kỹ sư tin học trong các công ty chuyên về công nghệ thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm, và nội dung số; làm chuyên viên trong các cơ quan đơn vị có ứng dụng công nghệ thông tin; làm lãnh đạo doanh nghiệp có ứng dụng hay phát triển sản phẩm có liên quan đến công nghệ thông tin; làm nghiên cứu viên trong các trường đại học hay viện nghiên cứu có liên quan đến công nghệ thông tin; hoặc công tác tại các vị trí công tác cụ thể sau: phân tích viên, thiết kế chương trình và dữ liệu, quản trị các hệ cơ sở dữ liệu, kiểm thử viên phần mềm, kỹ sư quy trình chất lượng, quản trị mạng…
Yêu cầu
Để làm việc trong ngành công nghệ thông tin, bạn cần có: niềm đam mê với CNTT; trí thông minh logic và có óc sáng tạo; khả năng làm việc dưới áp lực lớn; tính kiên trì, nhẫn nại; sự chính xác trong công việc; tinh thần ham học hỏi, trau dồi kiến thức; kỹ làm việc nhóm tốt; khả năng làm việc theo nhóm; trình độ ngoại ngữ tốt.
Một số chứng chỉ quốc tế nên có:
MCITP
MCTS
Security+
MCPD
CCNA
A+
PM
MCSE và MCSA
CISSP
Linux+
Quyền lợi
Hiện nay, lĩnh vực Công nghệ thông tin đang là một ngành Hot. Vì vậy, khi làm việc trong lĩnhg vực này, bạn không chỉ chẳng phải lo lắng về cơ hội việc làm mà còn nhận được rất nhiều đãi ngộ hấp dẫn như lương thưởng cao, BHXH, BHYT, BHTN, các loại bảo hiểm và phúc lợi khác. Ngoài ra, bạn sẽ được làm việc trong những văn phòng đẹp như mơ với đầy đủ đồ ăn, thức uống và cả phòng tập thể thao, phòng yoga, phòng chơi game…Bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội đi công tác trong và ngoài nước, được tiếp xúc với các đối tác, đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh Pháp, Canada, Nhật, Hàn…
Điểm thú vị
Mặc dù ngày nay, ta có thể thấy đa số các nhà lập trình là nam giới, tỷ lệ nữ giới chiếm một số lượng rất ít, nhưng bạn có biết rằng, nhà lập trình đầu tiên lại là nữ giới chứ không phải nam giới không? Người đó chính là Ada Lovelace, một nhà khoa học người Anh. Ada đã dịch các văn bản hồi ký mô tả một cỗ máy có khả năng tính toán (Analytical Engine) của nhà toán học Louis Menebrea từ tiếng Pháp sang tiếng Anh cho một nhà toán học khác là Charles Babbage. Trong văn bản này, những ghi chú của bà về bộ máy có một phần được xem là thuật toán đầu tiên để một cỗ máy thi hành. Chính vì điều này, bà thường được miêu tả là nhà lập trình máy tính đầu tiên trên thế giới.
Khó khăn
Đây là ngành phát triển nhanh và thu hút rất nhiều người, vì vậy tỉ lệ cạnh tranh luôn cao. Ngoài ra, công nghệ thay đổi rất nhanh và biến đổi từng giờ, từng phút. Theo định luật Moore nổi tiếng, cứ 18 tháng thì mật độ chíp của bộ vi xử lý sẽ được tăng gấp đối (tức năng lực xử lý tăng gấp đôi). Vì vậy bạn cần phải liên tục cập nhật kiến thức của mình để tránh trở nên lạc hậu. Không những vậy, bạn sẽ phải luôn đối mặt với áp lực công việc, thời gian. Việc phải làm tăng ca, thức đêm để chạy dự án; việc bị “sếp la sếp mắng”, khách hàng “nói nặng nói nhẹ” là chuyện bạn sẽ đối mặt mỗi ngày.
Trường đào tạo
Hiện nay, ngành công nghệ thông tin được đào tạo tại một số trường như:
Các trường thuộc ĐHQG TP.HCM bao gồm: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế
Các trường thuộc ĐHQG Hà Nội bao gồm: ĐH Bách khoa, ĐH KHTN, ĐH Công nghệ
Các trường nằm ngoài ĐHQG bao gồm: ĐH FPT, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Ngoại ngữ – Tin học TPHCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Cần Thơ, ĐH Công nghệ và quản lý hữu nghị, ĐH Tài nguyên và môi tường HN, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thăng Long,…
Một số doanh nghiệp tiêu biểu
FPT, KMS, Nash Tech, VNG, Viettel, CMC, TMA, VNPT, Gameloft, DEK….
Biên soạn bởi đội ngũ chuyên viên của Ztest.