Giới Thiệu Ngành Nghề – Ngành Quản Trị Kinh Doanh

Mô tả ngành nghề

Quản trị kinh doanh là việc thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh để duy trì, phát triển công việc kinh doanh của một hoặc một số doanh nghiệp trong một ngành nào đó. Trong kinh doanh, quản trị bao gồm việc cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa “hiệu suất” hoặc “quản lý hoạt động kinh doanh” bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý. Mục tiêu chung của quản trị kinh doanh là duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo sự tồn tại và vận hành của toàn bộ doanh nghiệp, hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh. Quản trị kinh doanh bao gồm nhiều ngành nghề trong xã hội, theo góc tiếp cận này có thể kể đến: Quản trị kinh doanh chung (đa ngành, đa lĩnh vực, đa chức năng);  Quản trị kinh doanh theo đối tượng (hay còn gọi là theo ngành) trong nền kinh tế như: kinh doanh công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm v.v…; Quản trị kinh doanh theo chức năng trong doanh nghiệp như: quản trị nhân lực, tài chính, marketing, hậu cần, công nghệ, chất lượng v.v…

Công việc cụ thể

Các công việc của một quản trị viên bao gồm: Hoạch định kinh doanh; Tổ chức kinh doanh; Tổ chức quản trị kinh doanh; Lãnh đạo, điều hành kinh doanh; Kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh. Theo các cấp độ, có thể kể đến: Quản trị viên cấp cao bao gồm: tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, giám đốc chức năng hay lĩnh vực v.v…; Quản trị viên cấp trung bao gồm: trưởng phòng, ban, quản đốc phân xưởng v.v…; Quản trị viên cấp cơ sở bao gồm những quản trị viên còn lại. Ngoài ra, với kiến thức quản trị kinh doanh, bạn cũng có thể tự thành lập và quản trị công ty của chính mình hoặc doanh nghiệp của gia đình.

Quản trị kinh doanh luôn đòi hỏi bạn phải làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, năng động

Yêu cầu

Để làm một quản trị viên, bạn cần: có các kiến thức tự nhiên và xã hội, có kiến thức về kinh doanh vững vàng; thành thạo ngoại ngữ và tin học; đam mê kinh doanh; có khát vọng làm giàu chính đáng; kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, kỹ năng tư duy logic và tư duy phản biện, tầm nhìn xa trông rộng; có năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro;  có đạo đức kinh doanh; có khả năng chịu áp lực và khả năng thích nghi tốt với môi trường công việc; bạn cũng cần có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng thuyết trình tốt…

Quyền lợi

Khi làm việc, bạn sẽ được hưởng lương, được hưởng các chế độ BHYT, BHXH, BHTN; được nghỉ lễ, Tết theo quy định của pháp luật; ngoài ra, nếu bạn tự mở công ty của riêng mình, bạn còn có thể được hưởng những quyền lợi như được làm việc với các công ty lớn, làm việc trong các thị trường mới, làm việc ở bất cứ đâu, tự do trong việc lựa chọn môi trường làm việc….

Đây là ngành luôn có nhiều tập đoàn tuyển dụng những chương trình Management Trainee với các quyền lợi hấp dẫn

Điểm thú vị

Đây là một trong những ngành có thu nhập cao, ngoài ra môi trường làm việc cũng rất năng động.

Khó khăn

Môi trường kinh doanh luôn có những thay đổi và thách thức hằng ngày, đòi hỏi bạn phải thích nghi tốt. Ngoài ra đây cũng là ngành làm việc có áp lực công việc lớn, bạn có thể sẽ phải làm việc nhiều hơn những công việc khác trong doanh nghiệp.

Trường đào tạo

Quản trị kinh doanh hiện nay được đào tạo tại rất nhiều trường như: ĐH Kinh tế – Luật  – ĐHQG TP.HCM, ĐH Quốc tế – ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Kinh tế – ĐHQG HN, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế – Quản trị kinh doanh – ĐH Thái Nguyên, ĐH Hồng Đức, ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng, ĐH Duy Tân, ĐH Sài Gòn, ĐH Quốc tế Hồng Bàng…

Đại học Kinh tế Luật TP.HCM

Một số doanh nghiệp tiêu biểu

Unilever, Pepsico, P&G, Nike, Heineken, Dutch Lady, Generali, Prudential, PNJ,…

Biên soạn bởi đội ngũ chuyên viên của Ztest.

Leave a Comment